1. Canxi có vai trò như thế nào đối với sức khỏe?
1.1. Trong cơ thể, canxi tồn tại dưới hai dạng
Trong xương: Xương của chúng ta được cấu tạo bởi 25% nước, 20% protein, 5% lipit, glycosaminoglycan và khoảng 50% là chất khoáng, phần lớn chất khoáng chính là muối canxi.
Ngoài xương: Canxi ngoài xương có trọng lượng không quá 10g, có trong dịch ngoài tế bào.
Hình 1.1: Đau nhức xương khớp do thiếu canxi
1.2. Vai trò đối với sức khỏe
Loại khoáng chất này chính là thành phần cơ bản để cấu tạo nên xương và răng, vô cùng quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt khi kết hợp với phospho, nó có tác dụng làm cho xương và răng trở nên chắc khỏe. Bên cạnh đó, canxi cũng rất cần thiết cho hoạt động của thần kinh cơ và quá trình đông máu.
Hình 1.2: Uống sữa để bổ sung canxi
Đối với người trưởng thành:
Giúp xương khỏe, giảm tình trạng đau nhức hoặc khó khăn khi vận động do loãng xương gây ra, đặc biệt cần thiết với người trung tuổi, người già và người bị tổn thương xương khớp như gãy xương,…
Cần thiết cho quá trình hoạt động của tim. Nếu không được cung cấp đủ loại khoáng chất này cơ tim sẽ co bóp yếu, cơ thể vì thế cũng dễ mệt mỏi và hay đổ mồ hôi.
Người già, nếu không được cung cấp đầy đủ canxi sẽ dễ bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh với một số biểu hiện cụ thể như trí nhớ kém, suy nhược thần kinh và hay đau đầu.
Hình 1.3: Trẻ quấy khóc do thiếu chất canxi
Đối với trẻ trỏ:
Giúp trẻ phát triển chiều cao, tăng khả năng miễn dịch, đồng thời cũng có tác dụng loại bỏ những khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Nếu không được cung cấp đầy đủ khoáng chất thiết yếu này, trẻ có thể chậm lớn, còi xương, răng kém,…
Có vai trò quan trọng đối với sự phát triển hệ thần kinh của trẻ nhỏ, nếu con bạn thường xuyên quấy khóc vào ban đêm, dễ nổi cáu hoặc hay giật mình, bạn cũng cần lưu ý và đó rất có thể là biểu hiện của thiếu canxi.
Bên cạnh đó, canxi rất quan trọng với hệ thần kinh của trẻ em, những trẻ bị thiếu canxi thường có biểu hiện khóc đêm, hay giật mình và dễ nổi cáu.
2. Những vấn đề thường gặp khi bổ sung canxi
Tuy rất quan trọng đối với cơ thể chúng ta, nhưng nếu không biết bổ sung canxi đúng cách, bạn có thể gặp phải những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe.
+) Thiếu canxi
Hình 2.1: Loãng xương do bổ sung thiếu canxi
Tình trạng thiếu hụt canxi trong suốt một thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của xương. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới giảm khối lượng xương và gây ra tình trạng loãng xương, đồng thời tăng nguy cơ gãy xương. Bên cạnh đó, tình trạng này còn dễ dẫn tới bệnh khớp và bệnh cao huyết áp.
Trẻ em thiếu loại khoáng chất này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xương. Phụ nữ có thai và phụ nữ sau sinh nếu không được cung cấp đủ canxi có thể gây ra tình trạng, ngứa hoặc tê ở ngón tay và ngón chân, tình trạng chuột rút, đặc biệt ở vùng lưng và chân; hay lo lắng, mệt mỏi và dễ cáu,...
+) Thừa canxi
Hình 2.2: Bị sỏi thận do nạp quá nhiều canxi
Tình trạng thừa canxi kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất sắt và chất kẽm của cơ thể. Bên cạnh đó, nó cũng có thể khiến cho thận phải làm việc không ngừng nghỉ, dẫn đến quá tải dẫn tới nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản.
Những trường hợp người loãng xương, phụ nữ có thai,... tự ý bổ sung, lạm dụng hoặc bổ sung liều cao có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim hoặc vôi hóa khớp vai hay canxi hóa động mạch, rất nguy hiểm. Nếu cơ thể xuất hiện tình trạng khát nước, tiểu nhiều, rối loạn nhịp tim, hay buồn nôn thì phải ngừng thuốc và tốt nhất nên đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
3. Mách bạn bổ sung canxi đúng cách
Mỗi độ tuổi và mỗi đối tượng khác nhau sẽ cần bổ sung một lượng canxi khác nhau. Tổ chức Y tế thế giới khuyên bạn nên bổ sung loại khoáng chất này theo tiêu chí dưới đây:
-
Trẻ từ 0 - 1 tuổi: 400mg - 600mg /ngày.
-
Trẻ từ 1 - 10 tuổi: 800 mg /ngày.
-
Từ 11 - 24 tuổi: 1200 mg /ngày.
-
Từ 24 - 50 tuổi: 800mg - 1000mg /ngày.
-
Phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi: 1200 mg - 1500 mg /ngày.
Hình 3.1: Những thực phẩm giàu canxi
+) Nên bổ sung canxi như sau:
Bạn có thể bổ sung qua chế độ ăn uống. Cần phải đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt chú trọng đến những thực phẩm có lượng canxi dồi dào như tôm, cua, ốc, cá, rau ngót và sữa,…
Thói quen của bạn cũng ảnh hưởng đến việc hấp thụ loại khoáng chất này. Cụ thể, chuyên gia khuyên bạn không nên uống rượu bia, hạn chế tiêu thụ cà phê và muối vì những chất kích thích này thường ngăn chặn cơ thể hấp thu canxi.
Tiêu thụ vừa đủ protein, không nên bổ sung quá nhiều. Khi lượng protein quá dồi dào trong cơ thể, khả năng đào thải canxi cũng tăng và từ đó rất dễ dẫn tới nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản.
Bạn cần biết rằng, khi được bổ sung với vitamin D, canxi sẽ được phát huy tác dụng rất tốt. Những người sống thiếu ánh sáng mặt trời hoặc thiếu vitamin D cũng khiến cơ thể của họ hấp thụ canxi kém. Vì thế, hãy dành thời gian để tắm nắng buổi sáng để cơ thể được hấp thụ vitamin D và cũng chính là để tăng khả năng hấp thụ canxi.
Ngoài những lưu ý trên, bạn cũng nên tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/vai-tro-cua-canxi-doi-voi-co-the-quan-trong-nhu-the-nao-s195-n18245